Tình cờ đọc được một bài viết khá hay trên 24h.com.vn . Cảm thấy có đôi điều cần suy nghĩ lại nên post lên đây để tự ngẫm .
Một lần khi đứng chờ thang máy ở văn phòng, tôi tình cờ nghe thấy một người đàn ông nói chuyện qua điện thoại. "Năm tới, chúng ta cần có những quy định chặt chẽ hơn trong việc tuyển dụng. Ít nhất chúng ta phải giữ họ được qua một năm".
Tôi thật lòng muốn quay lại và bảo với anh ta rằng: "Có lẽ điều anh cần không phải là những điều khoản tuyển dụng chặt chẽ hơn. Anh tuyển dụng được không có nghĩa là anh sẽ giữ được người. Điều đó phụ thuộc vào văn hóa doanh nghiệp".
Câu chuyện này mở ra một chủ đề luôn nóng trong các doanh nghiệp ngay cả trong thời kỳ thừa người thiếu việc. Tuyển dụng được đúng người phù hợp với công việc đã khó nhưng giữ người đó trung thành với công ty lâu dài còn khó hơn. Vậy đâu là những lý do khiến người ta muốn rời bỏ công việc mà mình đã lựa chọn, đã đầu tư thời gian và công sức vì nó?
Nhà lãnh đạo
Vâng, lý do đầu tiên được nêu ra lại là những người lãnh đạo. Hai tác giả Marcus Buckingham và Curt Coffman của cuốn sách “Điều gì tạo nên sự khác biệt của những nhà lãnh đạo tài ba nhất thế giới?” đã cho rằng, thực sự người ta không từ bỏ công việc của mình, mà chính là họ bỏ những nhà quản lý. Nếu các nhân viên không duy trì được mối quan hệ tốt với những người quản lý, không thích họ hay không tôn trọng họ nữa, thì sớm muộn họ cũng rời bỏ công ty cho dù mức lương cao hay bổng lộc hấp dẫn. Một nhà quản lý tồi là một trở ngại lớn trong hoạt động nhân sự. Một người quản lý tốt, thì dù mức lương thế nào, cũng sẽ gây dựng và duy trì được lòng trung thành của nhân viên với công ty.
Những người lãnh đạo không tạo được các cơ hội công bằng, thích đáng cho nhân viên, không kết nối, truyền đạt được cảm hứng cho họ, và không đánh giá đúng được năng lực của nhân viên, thì sẽ luôn phải đối mặt với vấn đề nhân sự xáo trộn thường xuyên. Nhà quản lý tốt là những người mà vẫn duy trì được mối quan hệ tốt với nhân viên ngay cả khi họ đã rời vị trí. Còn những người quản lý tồi là những người bạn vẫn để tâm theo dõi họ, nhưng là để tìm cách tránh gặp lại họ trong tương lai.
Mọi người sẽ tìm cách rời bỏ công việc nếu họ phải đương đầu với stress triền miên... (Ảnh minh họa)
Thay đổi cơ cấu liên tục
Những công ty thường xuyên tái cơ cấu mô hình tổ chức mỗi 6 tháng hay 9 tháng một lần cũng sẽ không có được một hệ thống nhân sự ổn định. Mỗi lần như vậy, thường là những vị trí quản lý sẽ thay đổi, vị trí làm việc của mỗi người cũng thay đổi, ngay cả tên của các đơn vị kinh doanh cũng thay đổi theo. Hầu như mỗi một lần quá trình thay đổi mô hình tổ chức này xảy ra, lại có một số người từ bỏ công việc. Điều này tạo ra một môi trường làm việc không ổn định và chẳng ai thích cái cảm giác họ có thể bị “nhổ rễ” trong lần thay đổi tiếp theo.
Cạnh tranh tiêu cực
Cạnh tranh là một nhân tố thúc đẩy sự phát triển, nhưng nó không nên trở thành cuộc chiến một mất một còn của các “dũng sĩ giác đấu”. Đẩy nhân viên và các phòng ban vào một cuộc chiến chống lại nhau không phải điều khuyến khích nhân viên làm việc lâu dài. Một số người cảm thấy hứng thú và đạt được thành công trong những môi trường đầy tính cạnh tranh gay cấn, nhưng phần lớn chúng ta thì không. Bạn có biết tại sao có rất nhiều bài báo, mục tư vấn xoay quanh vấn đề stress như vậy không? Mọi người sẽ tìm cách rời bỏ công việc nếu họ phải đương đầu với stress triền miên.
Thiếu sự khuyến khích
Là một nhà quản lý, bạn có kết nối tốt với nhân viên không? Bạn đã bao giờ ngồi cùng với họ và vạch ra một kế hoạch về sự phát triển của họ cùng với công ty chưa? Kế hoạch đó có được thực thi chút nào sau khi đưa ra hay không? Nếu một nhà quản lý không bỏ thời gian tìm hiểu nhân viên và khuyến khích họ phát triển, họ sẽ cảm thấy mình không được đánh giá đúng. Và bạn có biết họ sẽ làm gì khi cảm thấy mình không được đánh giá đúng? Họ sẽ ra đi ngay khi có cơ hội.
Mary Kay Ash, người sáng lập hãng mỹ phẩm nổi tiếng Mary Kay, từng có câu nói về việc đánh giá khả năng của mỗi cá nhân: "Ai cũng muốn được thể hiện, được đánh giá cao những khả năng của mình, vì thế nếu bạn thấy được năng lực của họ, hãy thể hiện cho họ biết”. Hãng mỹ phẩm này thường công nhận năng lực của đội ngũ bán hàng bằng những món quà tặng, bằng khen và những sự kiện hội hè hoàng tráng.
Các nhà quản lý khác không nhất thiết phải học theo cách làm này. Tuy nhiên, việc đánh giá đúng và công nhận những giá trị, năng lực của đội ngũ nhân viên sẽ tạo nên sự khác biệt to lớn trong việc thúc đẩy hiệu quả làm việc cũng như hạn chế được sự thay đổi nhân sự.
Bà Mary Kay Ash cũng từng nói: "Con người là tài sản lớn nhất của mỗi công ty. Không có sự khác biệt nào giữa các công ty cho dù sản phẩm của họ là ô tô hay mỹ phẩm. Một công ty tốt hay không tốt được đánh giá qua đội ngũ nhân viên mà họ có”.
Nguồn: http://hcm.24h.com.vn/ban-tre-cuoc-song/nhan-vien-khong-bo-viec-ma-roi-bo-lanh-dao-c64a434163.html
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Rất mong các ý kiến của các bạn khi đọc bài viết này !